Vietnamerica

"Individuals pick sides. Families don’t." -- GB Tran.

Tôi xem Last Days in Vietnam cách đây gần một năm, khi phim được trình chiếu lần đầu ở San Francisco. Điều làm tôi xúc động nhất không phải là nội dung mà là nhiều người ở rạp - đa số là người Mỹ đã lớn tuổi - khóc nức nở từ cảnh đầu tiên. Tôi không biết vì sao họ khóc - có lẽ họ nhớ lại tuổi thanh xuân đã gắn liền với mảnh đất cách nửa vòng trái đất, hoặc có thể họ nhớ lại những người bạn người mẹ người em mà họ đã mãi không gặp lại được từ tháng tư năm đó.

Mặc dù cũng biết thêm được vài chi tiết mới về những ngày cuối cùng trước khi Sài Gòn đầu hàng (có chi tiết trong phim làm tôi nhớ đến thiếu tá Buông), tôi không thích phim này. Nó mang hơi hướm Hollywood, đề cao và nói quá nhiều về những hành động anh hùng của người Mỹ. Tôi có cảm giác cuộc đại chia ly của người Việt trong ngày thống nhất chỉ được dùng để làm nền cho câu chuyện về ông đại sứ và các sĩ quan Mỹ. Công bằng mà nói đây là phim của người Mỹ nói về người Mỹ trong những ngày cuối cùng của họ ở Việt Nam, nên khó có thể đòi hỏi họ nói nhiều hơn về người Việt. Tôi nói với M. hi vọng rồi sẽ có đạo diễn người Việt dựng lại những thước phim về người Việt trong những ngày đất mẹ tao loạn. Những mảnh đời, những số phận, những chia cách, máu và nước mắt... chắc tôi sẽ khóc.

Sân bay Tân Sơn Nhất những ngày cuối cùng của chính thể VNCH. GB Tran vẽ trong Vietnamerica.

Cách đây mấy hôm tôi may mắn biết đến Vietnamerica, một hồi ký bằng truyện tranh kể lại hành trình kéo dài ba thế hệ, vắt ngang mấy châu lục, đi suốt hai cuộc chiến tranh, hai nền Cộng Hòa, những năm đầu thống nhất, những năm tháng làm lại từ đầu trên đất Mỹ cũng như những bồi hồi bỡ ngỡ khi quay lại cố hương của hai bên nội ngoại gia đình dòng họ Trần Hữu. Một câu chuyện có thật, với những tên tuổi có thể tìm thấy được trên Internet. Một câu chuyện mà nếu bỏ đi tên nhân vật, có thể sẽ không còn phân biệt được với những câu chuyện đã được kể đi kể lại trong nhiều gia đình người Việt ở khắp nơi trên thế giới. Một câu chuyện buồn, không chỉ của riêng ai.

Tôi đọc Vietnamerica và không thể không nghĩ đến Bên Thắng Cuộc. Nếu như Bên Thắng Cuộc là một khảo cứu lịch sử với nhiều thông tin thú vị, có giá trị tham khảo cao, thì nếu lấy kính lúp soi vào những mảnh đời được nhắc đến trong đó, chúng ta sẽ thấy Vietnamerica, bởi đằng sau mỗi chú thích bên lề thời cuộc luôn là một thiên tiểu thuyết, phần nhiều là buồn, của những phận người. Nếu như Bên Thắng Cuộc sắp xếp các sự kiện theo một trình tự thời gian nhất định thì Vietnamerica xáo trộn tất cả, đôi khi mạch truyện được bẻ nhỏ ra rất vụn vặt, nhưng đó cũng là cách mà những câu chuyện như thế này thường được góp nhặt trong những buổi cơm chiều. Từng khúc một, đứt quãng, trùng lắp, đôi khi không đúng trình tự thời gian, ai đã từng qua bể dâu thường để lại cho con cháu mình những ký ức như vậy. Nếu như Bên Thắng Cuộc là ngã rẽ của cả dân tộc thì Vietnamerica là khúc ngoặt của đời người thời chiến. Đọc trang trước không thể đoán được trang kế tiếp sẽ là chuyện gì, giống như người đi giữa hai làn đạn, không thể biết ngày mai sống chết ra sao, chỉ biết hôm nay luôn phải ở trong tâm thế bất chấp tất cả để tồn tại.

Vietnamerica không chỉ có chiến tranh mà còn là mồ hôi và nước mắt của những người Mỹ gốc Việt thế hệ thứ nhất. Có người ra đi, cứ ngỡ chỉ dăm bữa vài tháng rồi về, ai dè đi luôn mấy chục năm. Ba chết không về đưa tang được. Má bệnh chẳng thể tự tay chăm sóc. Ở xứ người, bao nhiêu bỡ ngỡ, bao nhiêu cực khổ, bao nhiêu cay đắng, cắn răng mà cố, tất cả vì con. GB Tran nói rằng viết Vietnamerica làm tan nát trái tim anh ấy. Dường như hành trình tìm về nguồn cội đã khiến tác giả đau chính nỗi đau mà ba má anh đã từng. Bây giờ nó đã là nỗi đau chung của cả gia đình và, chỉ cần có thế, nỗi đau đã trở thành tình yêu. Chợt nhớ Nguyễn Thị Từ Huy:

[...] Có thể chính là trong ánh sáng của nỗi đau, chính là trong khi người này nhìn thấy nỗi đau của người kia, mà chúng ta có thể xóa bỏ thù hận, xóa bỏ bức tường dựng lên giữa hai chiến tuyến; cái bức tường vô hình vẫn tồn tại trong lòng mỗi người từ bốn mươi năm nay; cái bức tường khiến chúng ta người này không thể tin ở người kia, khiến chúng ta nghi kỵ và chia rẽ; cái bức tường khiến cho cờ đỏ và cờ vàng thành ra những vật trở ngại, ngăn cản chúng ta xích lại gần nhau, ngăn cản chúng ta cùng nhìn về tương lai và cùng tạo dựng một tương lai chung.

Những nỗi đau cộng hưởng với nhau có thể tạo thành sức mạnh, và đến lượt nó, sức mạnh này có thể hóa giải nỗi đau, và có thể biến nỗi đau thành tình yêu…

Tôi ước gì một ngày nào đó Vietnamerica sẽ được dựng thành phim, chiếu ở quê nhà, để cả lũ chúng ta ôm nhau mà khóc vì những nỗi đau của người dưng.

Comments