Khoa học

M hôm nay hỏi tôi "Anh có tin là có giác quan thứ sáu không?". Tôi chợt nhớ đến Carl Sagan. Trong cuốn Thế Giới Bị Quỷ Ám (một cuốn sách về khoa học rất đáng đọc, có bản dịch tiếng Việt, tôi chưa đọc bản tiếng Việt), Carl Sagan có kể là rất nhiều người hỏi ông "Có tin vào phi thuyền của người ngoài hành tinh không?". Sagan rất ngạc nhiên bởi câu hỏi này hàm ý có hay không có phi thuyền ngoài trái đất là vấn đề của niềm tin, chứ không cần bằng chứng.

Tôi trả lời M là cho tới giờ tôi không biết có bằng chứng nào đủ mạnh để chứng minh là có giác quan thứ sáu. Muốn tôi tin là có giác quan thứ sáu thì phải làm thí nghiệm và những thí nghiệm này, trung bình mà nói, phải có những kết quả quan sát và lập lại được. Đây là nguyên lý cơ bản nhất của khoa học. Nếu không làm được những thí nghiệm như thế thì nhiều khả năng là hiện tượng giác quan thứ sáu đó không thể kiểm chứng độc lập, không thể kiểm sai và do đó theo khoa học thì tôi thấy không có lý do gì để tin vào những hiện tượng này.

"Nhưng có nhiều chuyện khoa học không giải thích được mà, khoa học không giải thích được chưa chắc là không có thật!", M nói. Vế đầu của câu này đúng, nhưng vế sau là một ngộ nhận rất phổ biến.

Đúng là khoa học còn rất non trẻ, các nhà khoa học chưa bao giờ dám vỗ ngực rằng chúng tôi hiểu hết vũ trụ này. Có rất nhiều hiện tượng, rất nhiều quan sát mà khoa học, với kiến thức hiện tại, vẫn không giải thích được tại sao. Ví dụ như Newton từ thế kỷ 17 đã cho chúng ta biết lực hấp dẫn giữa các hành tinh, nhưng cho đến nay người ta vẫn không biết tại sao lại có lực đó. Chúng ta hiểu lực này hoạt động ra sao (how), nhờ đó mà các chuyến bay ra ngoài không gian mới thành công, nhưng vẫn không hiểu được cái nguyên do, cái cơ chế đằng sau của lực hấp dẫn (why).

Khác với toán học, những gì khoa học đã chứng minh, đã giải thích được và trở thành kiến thức cũng không phải là tuyệt đối. Có thể ngày mai một người nào đó sẽ phát hiện ra một hiện tượng mới, mà kiến thức hiện tại không giải thích được và do đó có thể các nhà khoa học với các lý thuyết của họ bị sai ở chỗ nào đó. Ví dụ như thuyết hấp dẫn của Newton đã đúng trong rất nhiều thí nghiệm, nhưng rồi người ta thấy nó dự đoán sai quỹ đạo của sao Thủy. Để rồi Einstein nghĩ ra thuyết tương đối, giải thích được hiện tượng sao Thủy và còn dự đoán được rất nhiều hiện tượng liên quan đến các vật thể duy chuyển với tốc độ lớn. Nhưng rất có thể một ngày nào đó người ta sẽ phát hiện ra một hiện tượng mà thuyết tương đối không giải thích được hoặc dự đoán sai và khoa học sẽ lại đi tìm những lý thuyết mới để thay thế. Người ta sẽ nghĩ ra lý thuyết, làm thí nghiệm để kiểm chứng và lập lại. Chuyện này đang diễn ra hàng ngày, hàng giờ ở các phòng nghiên cứu ở khắp nơi trên thế giới.

Tóm lại khoa học là phải gắn với thí nghiệm và những hiện tượng quan sát và lập lại được. Thành ra khi ai đó nói "khoa học không giải thích được hiện tượng X", tôi luôn muốn hỏi: thí nghiệm như thế nào, hiện tượng ra sao mà khoa học không giải thích được X?

Có hai loại hiện tượng X ở đây. Loại đầu tiên được quan sát và ghi nhận trong những thí nghiệm. Đây là những hiện tượng tự nhiên, là đối tượng nghiên cứu của khoa học. Loại thứ hai chưa bao giờ được làm thí nghiệm, hoặc nếu có thì người ta không thể lập lại hiện tượng. Khi người ta nói "khoa học không giải thích được X", X thường rơi vào loại thứ hai này, nhưng người nói lại tưởng X là loại thứ nhất.

Nếu không có thí nghiệm, không có hiện tượng cụ thể, lập lại và quan sát được, thì chuyện khoa học không giải thích được X không có gì lạ cả, bởi vì khoa học không nghiên cứu X. Khoa học có một chỗ dành riêng cho những hiện tượng không lập lại được và không quan sát độc lập được: chỗ đó ở ngoài khoa học. Thành ra câu nói "khoa học không giải thích được giác quan thứ sáu" là một ngộ nhận, vì khoa học đâu có nghiên cứu giác quan thứ sáu đâu mà giải với thích.

"Giác quan thứ sáu không phải là khoa học thì có sao đâu. Tại sao lại chỉ tin vào khoa học?"

Ở ngoài khoa học không có nghĩa là xấu. Tôn giáo không phải là khoa học, nhưng không ai nói tôn giáo xấu cả. Tin vào giác quan thứ sáu hay ngoại cảm cũng chẳng có gì xấu. Điều quan trọng là chúng ta phải phân biệt được đâu là niềm tin dựa vào những gì quan sát và lập lại được, đâu là niềm tin dựa vào những thứ mơ hồ, để chọn lựa cho đúng niềm tin mà hành xử. Không thể chữa bệnh ung thư hay đơn giản là gãy tay gãy chân bằng cách đi chùa hay đi nhà thờ. Ngược lại khoa học khó lòng thay thế tôn giáo trong việc làm cho con người ta sống tốt hơn, chan hòa và nhân ái hơn trong việc đối xử với người và với đời.

Tôi tin và khuyên bạn nên tin khoa học vì khoa học thành công quá đỗi. Nếu có một hệ tư tưởng, một cách suy nghĩ, một khối tri thức thành công hơn khoa học trong việc giải thích tự nhiên, chinh phục thế giới và cải thiện cuộc sống con người, tôi sẽ tin vào chúng. Cho đến nay khoa học vẫn là số một trong những lĩnh vực này, thành ra tôi tin vào khoa học và phương pháp của nó. Đây cũng chính là lý do mà rất nhiều ông nhiều bà mặc dù chưa bao giờ làm khoa học nhưng vẫn gán cái mác khoa học cho cái công việc ngụy khoa học của họ. Họ muốn mượn cái danh, cái uy tín, cái thành công ngoài sức tưởng tượng của khoa học mà không phải nhọc công như những nhà khoa học chân chính.

Khoa học luôn hướng đến sự thật và cũng là giới hạn của tri thức loài người. Vì thế đôi khi khoa học trở nên rất tàn nhẫn. Người nhà bị bệnh, đem đến bệnh viện để rồi bác sĩ bảo: "Y học hiện tại không chữa được bệnh này". Hay như con trai ra chiến trường, chiến đấu rồi hi sinh, không có bất kỳ tông tích gì, ngoại trừ một lá thơ viết tay của người đồng đội. Hỏi mấy ông khoa học thì mấy ổng nói: "Không thể nào tìm được vì không có đủ thông tin". Đây cũng là lúc những thứ ngụy khoa học lên ngôi, bởi vì chúng cho con người ta một hi vọng, dẫu chỉ là giả tạo.

Điều cuối cùng tôi muốn nói là tôi không chỉ tin vào khoa học. Ví dụ như tôi tin luật nhân quả, rằng ở hiền sẽ gặp lành, gieo gió ắt gặp bão. Tôi thấy vài định luật khoa học có vẻ như là một hệ quả của luật nhân quả, chẳng hạn như định luật bảo toàn năng lượng, nhưng chuyện đó cũng không quan trọng lắm, bởi tôi vẫn tin vào luật nhân quả dẫu khoa học có giải thích được hay không. Tôi tin vì tôi muốn tin, vì niềm tin này làm cho cuộc sống của tôi tốt hơn, thế thôi.

Comments

Unknown said…
Anh có hệ tư tưởng vững vàng ghê. Rất thú vị :)
tuanbizness said…
có 1 câu nói bị ngược rồi Thái ơi, phải sửa lại là"Luật nhân quả là hệ quả của định luật Bảo toàn năng lượng" mới đúng.