Những toilet không cửa hay là tại sao phải biết thiết kế



Tôi rất thích đoạn phim này. Có lẽ là do tôi đồng cảm với nhân vật. Không hẳn là tôi bị hội chứng sợ dơ, nhưng tôi rất ngán các nhà vệ sinh có cửa nắm thế này và hơn một lần tôi cũng đứng chờ có người mở cửa vào để đi ra mà không phải chạm tay :-).

Tôi bắt đầu chú ý đến thiết kế của các toilet công cộng từ cách đây vài năm. Tôi thấy thiết kế toilet không phải chuyện đơn giản. Có rất nhiều vấn đề, đôi khi rất nhỏ thôi, mà nếu làm không tốt sẽ có thể gây ảnh hưởng đến sức khỏe của nhiều người.

Một toilet thiết kế tốt phải touch-free, nghĩa là người ta đi ra, đi vào, ngồi xuống, xả hàng, đứng lên, rửa tay, lau tay v.v. tất tần tật đều không phải chạm vào bất kỳ vật gì cả. Nếu phải chạm thì việc chạm đó phải diễn ra trước khi người ta rửa tay hoặc là phải cung cấp giấy lót tay khi chạm vào đâu đó.

Quan trọng nhất là cửa ra vào. Cách thiết kế tốt nhất là không cửa. Đây cũng là cách thiết kế thường thấy của toilet ở các sân bay. Nếu lỡ chẳng may đã làm cửa (do không đủ không gian), thì phải nghĩ đến chuyện làm sao người ta có thể mở cửa mà không bị dơ tay. Có nhiều cách để làm, mỗi cách có ưu khuyết riêng.

Ví dụ như thiết kế để cửa có thể được mở bằng cách đẩy ra. Lúc này người ta có thể dùng vai hoặc chân để mở cửa. Mở cửa ra ngoài hay vô trong cũng là một câu hỏi thú vị của thiết kế các toilet công cộng.


Một cách làm đơn giản hơn là đặt giấy lót tay ở cạnh cửa ra vào, để khách có thể dùng khi mở cửa. Lúc này phải chú ý đặt một thùng rác ngay cạnh đó, không thôi sẽ gây trở ngại cho khách không biết vứt giấy ở đâu.

Còn nhiều vấn đề nữa, nhưng tôi nghĩ bạn đã hiểu tại sao tôi nói thiết kế toilet không phải chuyện đơn giản. Không chỉ riêng toilet, mà bất kỳ vật dụng hàng ngày nào cũng đòi hỏi một sự tỉ mỉ, tinh tế và sáng tạo trong thiết kế, nếu muốn vừa đáp ứng yêu cầu của người sử dụng vừa bảo vệ được sức khỏe của họ.

Một thiết kế tốt phải bám sát thực tế. Trước khi phát hành sản phẩm, người ta thường mời các nhiều nhóm khách hàng khác nhau đến sử dụng thử sản phẩm, quay phim lại rồi từ đó phân tích và điều chỉnh sản phẩm cho đơn giản hay an toàn hơn. Khi thiết kế không tính đến sản phẩm được sử dụng ra sao trong thực tế thì sản phẩm sẽ bị dùng sai, gây ra những trở ngại, đôi khi nguy hiểm đến sức khỏe của nhiều người.

Ví dụ như chiếc pô xe máy. Tôi thấy đây là một thiết kế cực tồi và hậu quả là tôi chưa từng gặp ai ở Việt Nam mà không bị phỏng pô xe một lần trong đời. Tôi không hiểu sao sau bao nhiêu đó năm và bao nhiêu vụ tai nạn như vậy, mà những công ty sản xuất xe máy vẫn không giải quyết vấn đề này. Thậm chí nhiều công ty còn làm cho nó trầm trọng hơn, khi thiết kế phần đích xe cao hơn phần đầu (vì lý do thẩm mỹ), khiến cho những người ngồi sau xe, do phải với chân xuống đất, càng dễ chạm vào pô khi xuống xe.

Ngược lại thiết kế tốt sẽ giúp sản phẩm đơn giản, dễ sử dụng, khó sử dụng sai và không gây nguy hiểm cho người dùng. Có rất nhiều vật dụng không cần ai chỉ, không cần phải xem hướng dẫn sử dụng nhưng chúng ta vẫn có thể sử dụng thành thạo ngay từ lần đầu tiên, ví dụ như chiếc điện thoại để bàn. Điều mà ít ai biết là để thiết kế ra được một sản phẩm như thế, người ta đã phải nghiên cứu và thử nghiệm rất lâu.


Hồi TetCon 2013 có bạn sinh viên hỏi tôi là ngoài rèn luyện các kỹ năng liên quan mật thiết đến ngành an toàn thông tin như lập trình, hệ điều hành, mạng, v.v. thì còn cần phải biết thêm gì nữa không. Tôi có nói là nên đọc thêm về thiết kế. Lý do thì đã nói nãy giờ: thiết kế có ảnh hưởng trực tiếp đến usability (dịch là tính khả dụng?) của sản phẩm. Một đồng nghiệp của tôi từng nói rằng chỉ có thằng điên mới không quan tâm đến usability khi làm an toàn thông tin.

Thông thường thì sản phẩm càng có nhiều tính năng an toàn, càng có nhiều lớp bảo vệ thì usability càng kém đi. Ví dụ như nhà có nhiều cửa thì sẽ càng an toàn, nhưng mỗi khi ra vào lại phải mở khoá cửa nhiều lần, rất bất tiện. Nhiệm vụ của người kỹ sư là phải làm sao cân bằng được giữa security và usability. Đó chính là thiết kế.

Một thiết kế tồi sẽ khiến cho người dùng khó chịu và tìm cách luồn lách để làm được việc họ muốn làm mà không phải đi xuyên qua các bước kiểm tra an toàn, bất kể nguy hiểm thế nào. Lúc này các tính năng an toàn đã bị vô hiệu hóa bởi chính đối tượng mà chúng cần phải bảo vệ. Đây là một thất bại của người kỹ sư.

Thiết kế tồi còn khiến cho người dùng dễ mắc sai lầm. Ai sử dụng Microsoft Windows hay bất kỳ hệ điều hành nào khác chắc hẳn đều đã gặp các thông báo cài đặt bảng vá hay nâng cấp mới. Đây là một thiết kế rất dở, bởi lẽ nó yêu cầu người dùng đưa ra một quyết định rất quan trọng, nhưng quên mất rằng phần lớn chúng ta không thể phân biệt được đâu là một thông báo của hệ điều hành, đâu là thông báo giả danh của bọn lừa đảo. Tôi nghĩ Chrome làm rất tốt ở chỗ này, khi họ âm thầm cập nhật và người dùng chỉ cần nhấn một nút hoặc tắt trình duyệt mở lại là có ngay bản mới nhất.

--

Đọc cái gì bây giờ để hiểu thêm về thiết kế?

Bài báo kinh điển Why Johnny can't encrypt của Whitten và Tygar chỉ ra rằng những tính năng an toàn phải được thiết kế đặc biệt hơn các tính năng khác nếu không người sử dụng sẽ không hiểu hoặc không biết cách sử dụng chúng. Sau bài báo này của Whitten và Tygar, đã có rất rất nhiều nghiên cứu khác tập trung vào đề tài usable security. Những ai quan tâm có thể xem thêm cuốn Security Engineering của Peter Gutmann.

Một cuốn sách rất tốt về thiết kế nên đọc là The Design of Everyday Things. Đọc nó rồi bạn sẽ không còn bao giờ đi tè trong bình yên được nữa :-). Về thiết kế phần mềm và thiết kế web, thì nên tìm đọc những cuốn kinh điển như Don't Make Me Think, Designing The Obvious, hoặc các bài viết về thiết kế của Joel Spolsky và sách của Jakob Nielsen.

Comments

Unknown said…
Bài viết hay!
usability nếu dịch theo ý anh Thái (nghĩa không tại chữ) sẽ là "trải nghiệm dùng"