Làm resume


Gần một năm trước tôi có viết thế này trong bài Kinh nghiệm tìm việc làm ở Silicon Valley:
Bạn cần hai hồ sơ khác nhau. Một hồ sơ trên LinkedIn để thu hút các cơ hội nghề nghiệp từ HR và những nguồn khác. Hồ sơ thứ hai là hồ sơ mà bạn gửi cho những nhà tuyển dụng khi họ yêu cầu. 
Với hồ sơ LinkedIn, bạn nên tập trung vào các mảng kỹ năng chuyên môn, trình độ học vấn và các giải thưởng nếu có. Sự thật là những tay "săn đầu người" thường đánh giá ứng viên thông qua các từ khóa ;-), nên đây là nơi mà bạn càng có nhiều từ khóa nổi bật càng tốt. Đó là lý do tôi khuyên bạn nên tìm học các lớp học miễn phí của Stanford, bởi nếu bạn đạt được điểm tốt, thì bạn có thể có được từ khóa Stanford rất nặng ký trong hồ sơ của bạn. 
Với hồ sơ mà bạn gửi cho nhà tuyển dụng, bạn phải khiêm tốn. Càng khiêm tốn càng tốt. Với người có ít hơn 10 năm kinh nghiệm làm việc, tôi nghĩ 1 trang A4 là đủ. Hồ sơ nên làm bằng LaTex, xuất ra tệp PDF với các đề mục chính như thông tin liên lạc, học vấn, kinh nghiệm làm việc, kỹ năng chuyên môn và giải thưởng nếu có. Nếu bạn có làm phần mềm hoặc có làm nghiên cứu thì có thể liệt kê những công trình nổi bật nhất. 
Bạn cần phải cẩn trọng khi liệt kê các kỹ năng của bạn, bởi người phỏng vấn sẽ dựa vào đó mà đặt câu hỏi. Chỉ liệt kê những gì mà bạn thật sự "rành sáu câu". Tuyệt đối không liệt kê những mảng công việc mà bạn chỉ làm qua loa hoặc đã làm quá lâu nên bây giờ bạn không còn nhớ. Tuyệt đối không liệt kê quá nhiều từ khóa cùng một lúc, nếu không thì chính bạn sẽ là nạn nhân. Bạn nên hiểu rằng người phỏng vấn bạn rất có thể là những người tiên phong và là chuyên gia hàng đầu về các kỹ năng mà bạn ghi trong hồ sơ. 
Sau khi làm hồ sơ, bạn nên gửi cho bạn bè hoặc đồng nghiệp đánh giá và phê bình. Bạn cũng có thể gửi cho tôi nếu bạn muốn.

Bây giờ sau khi đã phỏng vấn, đọc và sửa resume của khá nhiều người thì tôi bổ sung thêm một số ý thế này.

Về hình thức thì LaTex vẫn là lựa chọn tốt. Có rất nhiều mẫu template miễn phí ở đây, đâyđây. Các mẫu này cũng gợi ý các nội dung nên có và kích thước của toàn bộ resume. Nếu LaTex quá khó thì có thể sử dụng các trình soạn thảo văn bản cũng được, miễn sao xuất ra được tệp PDF.

Gần đây tôi có phỏng vấn một người có hồ sơ rất ấn tượng. Phần đầu của hồ sơ (1 trang) là phần tự giới thiệu (cover letter), chứng minh rằng anh ấy là người mà team tôi đang tìm. Tiếp theo là resume (1 trang) liệt kê theo thứ tự các thành tựu (dự án đã hoàn thành), kỹ năng chuyên môn, kinh nghiệm làm việc và học vấn. Phần cuối của hồ sơ là các thư giới thiệu có chữ ký (mỗi thư 1 trang) của những nơi anh ấy đã làm việc. Toàn bộ hồ sơ được làm bằng OpenOffice, rồi xuất ra PDF.

Về nội dung thì phần quan trọng nhất vẫn là các kỹ năng. Một cách gây ấn tượng thường gặp là liệt kê thật nhiều kỹ năng và mỗi kỹ năng đều bắt đầu bằng những từ ngữ mạnh mẽ như "Strong knowledge", "Expert", "Deep understanding", v.v. Tôi thấy gây ấn tượng bằng cách này lợi bất cập hại và nên tránh. Resume thường được dùng ở hai chỗ trong quá trình tuyển dụng:
  • Lọc hồ sơ (screening) lúc đầu của HR/recruiter. Những người này chủ yếu dựa vào từ khóa, thành ra có ghi là "Expert" cũng không tạo thêm ấn tượng gì cả. Vả lại trong các trường hợp recruiter chủ động liên lạc hoặc có người cử tuyển thì hồ sơ của bạn sẽ không phải đi qua khâu screening này.
  • Phỏng vấn. Người phỏng vấn sẽ căn cứ vào resume của bạn để đặt câu hỏi. Nếu bạn ghi là "Deep knowledge" trong một lĩnh vực nào đó thì khi phỏng vấn có thể họ sẽ hỏi rất nhiều về những lĩnh vực đó, nên phải cực kỳ thận trọng. Đúng là chúng ta phải dùng resume để gây ấn tượng với người xem, nhưng mà tôi nghĩ chỉ cần liệt kê là bạn có kiến thức và kinh nghiệm trong những lĩnh vực A, B, C là được. Ghi mình là expert thì họ sẽ kỳ vọng mình là expert và sẽ đặt câu hỏi tương xứng.
Ở team tôi có một trường hợp như thế này. Có một anh rất rành Javascript. Một lần có người gửi resume vào ghi là "Expert in Javascript". Anh này rất thích, tự vì có nhiều vấn đề của Javascript mà bản thân anh ấy còn phân vân, chưa biết giải quyết thế nào, nên rất muốn nói chuyện với một người khác giỏi về Javascript. Rốt cuộc mặc dù người ứng viên cũng biết về Javascript, nhưng vẫn không đủ để có thể đạt được mức kỳ vọng "Expert" của một người làm Javascript lâu năm.

Tôi nghĩ nếu bạn muốn nhấn mạnh một kỹ năng nào đó thì cách tốt nhất là liệt kê các thành tựu liên quan đến kỹ năng đó. Ví dụ như muốn nói bạn giỏi về lập trình, hãy liệt kê các phần mềm mà bạn đã viết. Muốn nhấn mạnh bạn rất khá về an ninh ứng dụng, hãy ghi vài dòng về các nghiên cứu và lỗ hổng mà bạn đã tìm được. Nếu bạn là sinh viên mới ra trường, chưa có nhiều kinh nghiệm làm việc thì hãy viết về các lớp học mà bạn thích, có điểm số tốt hoặc làm trợ giảng.

Comments

Chào anh Thái, nhờ anh nói rõ hơn về "rành sáu câu" trong một lĩnh vực là rành như thế nào nhé.